Tiếng Anh Nhân Sự hướng dẫn bạn Phương Pháp Luyện Nghe Tiếng Anh Hiệu Quả cho người làm Nhân Sự và các ngành nghề khác.

Những điều nên làm khi luyện nghe tiếng Anh:

1. Bắt đầu luyện nghe từ những nội dung ngắn và đơn giản

Chặng đường nhỏ bắt đầu từ bước đi đầu tiên.

Bạn nên bắt đầu việc luyện nghe Tiếng Anh như bạn chưa từng nghe tiếng Anh bao giờ. Nghĩa là bạn nên bắt đầu từ những đoạn hội thoại nhỏ và dễ hiểu giới thiệu về bản thân khoảng một hai phút. Nếu bạn đang ở một nước mà Tiếng Anh là ngôn ngữ chính, thì bạn nên lắng nghe các cuộc trao đổi giữa nhân viên quán café, nhân viên nhà hàng và khách hàng của họ. Đó có thể chỉ là những cuộc hội thoại ngắn, nhưng chúng hiệu quả cho việc nghe Tiếng Anh vì có thể áp dụng ngay vào thực tế.

Sau đó, bạn có thể nghe đến những đoạn hội thoại Tiếng Anh nhiều từ vựng, dài hơn (ba, bốn, năm phút) về thời tiết, thức ăn, mua sắm, giao thông, về môn thể thao mà bạn yêu thích, nhà cửa, thiên nhiên cây cối,… Đây là những chủ đề dễ hiểu, từ vựng Tiếng Anh cũng đơn giản, dễ hiểu, vì đây là những chủ đề mà mình cũng thường dùng hàng ngày trong Tiếng Việt.

Tiếp theo, bạn tập nghe đến những chủ đề khó hơn và dài hơn (5 phút trở lên), ví dụ về văn hóa của nước Anh, Mỹ và các nước khác, địa lý, lịch sử, văn học, giáo dục, chính trị, tin thế giới.

Cuối cùng, bạn tập nghe những chủ đề về công việc chuyên môn nhân sự của bạn. Nếu bạn làm công việc khác thì bạn bắt đầu tập nghe chuyên môn của công việc đó tại bước này.

2. Luyện nghe thường xuyên:

Bạn nên luyện nghe thường xuyên, mỗi ngày. Luyện nghe thường xuyên giúp bạn quen tai với ngôn ngữ mới mà ở đây là Tiếng Anh. Não của bạn cũng hoạt động tốt hơn giúp chúng ta hiểu và chuyển tải ngôn ngữ tiếng Anh sang nội dung bằng tiếng mẹ đẻ để ta hiểu được. Đến một lúc, chúng ta không cần dịch trong đầu nữa mà tự ngôn ngữ sẽ chuyển thành thông tin để chúng ta hiểu.

Chúng ta cần nghe và hiểu dần dần thì mới hiệu quả được, ngôn ngữ phải thấm vào đầu bạn từ từ. Nếu chúng ta nghe được các từ Tiếng Anh mà không kịp hiểu nghĩa do người ta nói nhanh quá, thì việc nghe cũng không hiệu quả.

Bạn nên nghe Tiếng Anh đa dạng, ví dụ nghe Tiếng Anh theo bài học trong sách, sau đó xem tivi các chương trình nói tiếng Anh, sau đó lên các đài, các website để luyện nghe Tiếng Anh theo chủ đề.

Ban đầu, nên nghe mỗi ngày khoảng 5 phút, sau đó tăng dần thời lượng lên 15 phút, 30 phút, 45 phút, một tiếng. Càng nghe và càng xem nhiều Tiếng Anh thì càng nhanh tiến bộ.

3. Tập luyện nghe cho được từng từ Tiếng Anh

Có hai giai đoạn quan trọng khi luyện nghe Tiếng Anh:

Giai đoạn 1 là khi luyện nghe Tiếng Anh/ khi học nghe Tiếng Anh: Ở bước khởi đầu khi luyện nghe Tiếng Anh, bạn cần nghe theo cụm từ, nhưng phải nghe cho được từng từ trong cụm từ đó. Nếu từ đó bị nuốt âm thì bị nuốt âm như thế nào, bị nuốt âm một phần hay toàn phần?

Khi nghe bạn phải chú ý các cụm từ Tiếng Anh đi chung với nhau và bạn cũng phải nghe được từng từ trong cụm này, bạn cũng phải hiểu nghĩa của từng từ, từng cụm từ trong bài. Để làm được việc này, ban đầu bạn nên luyện nghe theo giáo trình học Tiếng Anh. (Thanh giải thích bên dưới trong mục số 5).

Nếu bạn nghĩ là chỉ nên luyện nghe Tiếng Anh theo kiểu lướt qua và nắm ý để hiểu, thì đó là phương pháp hoàn toàn sai lầm cho người mới bắt đầu. Luyện nghe Tiếng Anh theo kiểu nghe lướt qua và nắm ý để hiểu chỉ áp dụng hiệu quả khi bạn đã có một quá trình luyện nghe trước đó và bạn đã có trình độ Tiếng Anh cao hơn căn bản. Cho nên việc nghe Tiếng Anh theo kiểu cứ bật loa lên nghe trong khi làm việc khác là không hiệu quả với người mới bắt đầu.

Nếu bạn luyện nghe Tiếng Anh mà trong đoạn nghe có nhiều từ mới, thì bạn phải học thuộc lòng những từ đó bằng cách học nghĩa, học cách phát âm bằng cách nghe rồi đọc lại theo băng hoặc từ điển, bạn nên viết từ đó ra giấy nhiều lần để nhớ mặt chữ. Nếu trong bài nghe có quá nhiều từ mới khiến bạn mệt mỏi khi nghe và hiểu, nghĩa là bài nghe cao hơn trình độ của bạn, bài nghe đó chưa phù hợp với bạn trong giai đoạn này. Lúc đó, bạn phải tìm những bài Tiếng Anh dễ hơn để luyện tập. Nếu bạn nghe bài khó hơn nhiều so với trình độ Tiếng Anh của bạn sẽ làm bạn áp lực và nhanh nản. Một từ trong tiếng Anh có khi có nhiều nghĩa, cho nên việc tra từ điển quá nhiều trong một bài có quá nhiều từ mới cũng làm bạn mất thời gian mà kém hiệu quả, trừ khi có giáo viên hướng dẫn.

Bạn không được nóng vội theo kiểu cứ nghe liên tiếp những bài Tiếng Anh mới mà chưa nắm được ngữ âm, từ vựng, cấu trúc của bài cũ. Nếu bạn nóng vội cứ học cho nhiều, cho mau, thì bạn sẽ không có nền tảng, càng học cao càng hổng phía dưới. Đến một lúc nào đó thì bạn sẽ lại nói  một câu quen thuộc: Sao học Tiếng Anh nhiều quá mà vẫn nghe không được, nói không được và không ai hiểu bạn đang nói gì.

Một bài nghe, bạn phải nghe đi nghe lại nhiều lần, có thể 10 lần, 20 lần, 50 lần, tùy vào khả năng của bạn, có thể kéo dài trong nhiều ngày và kèm thêm các bài nghe khác. Đến khi nào bạn cảm thấy nghe được hết từ và hiểu hết nghĩa trong bài nghe thì bạn có thể ngưng bài nghe đó.

Ba bước luyện nghe Tiếng Anh hiệu quả:

Bước 1: Nghe bài Tiếng Anh một, hai lần đầu, từ đầu đến cuối theo các giáo trình và tài liệu Tiếng Anh chuẩn (Giọng Anh hoặc giọng Mỹ), bạn đừng ngắt bài nghe giữa chừng, cũng đừng xem phụ đề Tiếng Anh. Bước 1 giúp bạn quen tai với từ ngữ, âm điệu Tiếng Anh của bài nghe. Có thể bạn chưa nghe được nhiều từ, có thể bạn chưa hiểu gì.

Bước 2: Bạn nghe và đọc phụ đề Tiếng Anh kèm theo để xem bạn có hiểu không, phần nào bạn nghe chưa kịp? Bạn chú ý những phần không nghe được, những phần nghe được nhưng không kịp hiểu nghĩa. Ở bước này nếu cần thì bạn tra từ điển một vài từ Tiếng Anh mới, là những từ làm bạn không hiểu đoạn đó nói gì. (Nghĩa là chỉ tra những từ mới quan trọng của bài nghe).

Bước 3: Sau khi đã hiểu thông điệp chính của bài nghe, bạn đóng phụ đề và nghe lại xem bạn đã nghe được từng từ và hiểu nghĩa của bài chưa. Nếu chưa thì lại mở phụ đề lên, bật bài nghe và vừa nghe vừa dò theo phụ đề. Bạn cũng có thể nghe và dò theo phụ đề nhiều lần liên tục cho đến khi đóng phụ đề lại bạn nghe và hiểu được 100%.

Sau khi bạn nghe một thời gian dài và tự tin với trình độ tiếng Anh của mình rồi, sau khi bạn phát âm chuẩn rồi, thì bạn mới nên nghe các giọng khác không phải giọng người bản xứ.

Giai đoạn 2 là khi nghe Tiếng Anh trên thực tế (Trong cuộc sống hàng ngày):

Khi nghe Tiếng Anh trên thực tế (ví dụ như khi giao tiếp Tiếng Anh với người khác), chúng ta không chú ý nghe từng từ như lúc luyện nghe vì sẽ không hiệu quả, vì có nhiều người nói nhanh và phát âm của họ có khi không giống nhau. Lúc đó bạn phải chú ý vào cụm từ, vào những từ người ta nhấn mạnh, đồng thời suy đoán nội dung dựa vào ngữ cảnh. Chúng ta cũng sẽ đoán được một phần nội dung Tiếng Anh đang được trao đổi qua khẩu hình của họ.

Khi nghe Tiếng Anh qua điện thoại bạn sẽ khó nghe hơn, vì bạn không thấy khẩu hình của người nói, đồng thời nhiều tạp âm sẽ làm bạn không nghe rõ. Do đó, bạn phải chú ý để có thể đoán nội dung câu chuyện. Nếu bạn không nghe rõ thì cần hỏi lại ngay. Đừng ậm ừ cho qua câu chuyện vì khả năng bạn đoán được nội dung sẽ thấp hơn khi bạn nói chuyện trực tiếp đối mặt với người đang giao tiếp Tiếng Anh với bạn.

4. Kết hợp luyện nghe Tiếng Anh và luyện phát âm, ngữ điệu, từ vựng:

Đồng thời với việc luyện nghe Tiếng Anh, bạn nên nhẩm nói theo cho quen dần (Từ lần nghe thứ hai hoặc thứ ba trở đi). Bạn cũng cần luyện phát âm của từng từ mới, đồng thời viết và học thuộc từ vựng mới đó, như vậy bạn mới nhớ lâu được. Bạn cần viết từ tiếng Anh mới ra mặt giấy chứ đừng học theo kiểu nhìn mặt chữ rồi nhớ, vì bạn không bao giờ có thể viết đúng chính tả nếu làm theo cách này. Thanh từng dạy các học sinh cấp 3 chuyên Anh (1 kèm 1). Khi cho các em làm bài tập theo dạng chọn đáp án đúng của từ vựng theo kiểu A, B, C, thì các em luôn làm đúng. Nhưng khi Thanh yêu cầu các em viết từ vựng từ đáp án đúng ra giấy mà không nhìn mặt chữ, thì các em viết sai.

Trẻ em người bản xứ học tiếng Anh khác hoàn toàn với chúng ta học tiếng Anh, vì Tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của các bé. Đúng là các bé nghe rất nhiều trước khi biết nói và biết viết, nhưng các bé nghe và thấy trong từng tình huống cụ thể trong gia đình, ngoài xã hội. Các bé thực hành, bắt chước hàng ngày nghĩa là vận dụng Tiếng Anh trong cuộc sống. Bạn lưu ý là các bé nhìn thấy, cảm nhận được những gì đang xảy ra. Khi bạn học Tiếng Anh, Tiếng Anh đó phải đi vào ngữ cảnh và văn hóa hàng ngày của bạn thì bạn mới có thể thực sự giỏi được. Hai môi trường khác nhau, một môi trường hoàn toàn sử dụng và diễn đạt, biểu cảm bằng văn hóa và ngôn ngữ Anh, một môi trường biểu cảm và diễn đạt bằng văn hóa Việt Nam, thì làm sao giống nhau được, nếu không nói là hoàn toàn khác biệt. Nên nếu bạn nghĩ là cứ nghe Tiếng Anh đi, nghe theo kiểu tắm trong Tiếng Anh, nghe loáng thoáng qua tivi hay qua đài cũng được không cần hiểu, rồi đến một ngày tự nhiên bạn sẽ nghe được và nói được, thì không biết đến khi nào bạn mới nghe và hiểu được.

5. Tập nghe các giáo trình Tiếng Anh uy tín, có hệ thống rõ ràng:

Khi các bạn mới bắt đầu luyện nghe, thì nên mua sách theo bộ giáo trình học Tiếng Anh để luyện tập, vì trong sách tác giả soạn bài một cách khoa học, cụ thể rõ ràng. Các bài mới có lập lại từ vựng Tiếng Anh của các bài cũ, trình độ đi từ dễ đến khó dần. Bạn cầm đọc quyển sách Tiếng Anh cũng an tâm và tạo cảm giác nghiêm túc cho bạn hơntrong học tập.

Người Anh cũng giống như người Việt, họ nói nhiều giọng khác nhau. Khi bắt đầu luyện nghe, bạn nên nghe những giáo trình của các nhà xuất bản uy tín, ví dụ như của nhà xuất bản Oxford, Cambridge. Các giáo trình này không chỉ dạy cho bạn từ vựng mới, mà quan trọng là, chúng cho thấy các từ vựng này được sử dụng trong từng ngữ cảnh cụ thể như thế nào, trong môi trường nào. Bạn cũng sẽ học thêm được nhiều điều mới về văn hóa của những nước nói Tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.

Các kênh nói Tiếng Anh như BBC, VOA, CNN, Discovery, Ted, The Apprentice,… cũng là các kênh uy tín giúp bạn có thể nghe nói tiếng Anh chuẩn, chính xác và hiệu quả. Họ cũng có các chương trình học tiếng Anh hiện đại giúp bạn học tiếng Anh tốt.

Có nhiều cách giúp bạn luyện nghe Tiếng Anh hiệu quả, ví dụ như: Nghe điền vào chỗ trống, nghe chọn đúng sai (Chọn A,B,C,D), nghe rồi trả lời câu hỏi Tiếng Anh… Bạn nên tổng hợp tất cả các cách luyện nghe Tiếng Anh này để luyện tập nhằm đỡ nhàm chán và nâng cao trình độ của mình. Bạn cũng nên nghe và xem video kết hợp, vì những gì mình thấy sẽ giúp mình nhớ lâu hơn. Bạn cũng có thể nghe nhạc Tiếng Anh để giải trí trong lúc mệt mỏi.

Các đất nước mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, nếu họ không được học Tiếng Anh một cách bài bản, thì họ có khuynh hướng nói tiếng Anh sai theo các kiểu khác nhau là do ngữ âm và văn hóa của họ. Cho nên, trước khi bạn chưa nghe và nói thông thạo tiếng Anh chuẩn, không nên nghe hoặc học nói chuyện theo những người nói tiếng Anh không bài bản. Vì bạn sẽ dễ bắt chước nói Tiếng Anh sai theo họ, mà học sai thì mất thời gian nhiều hơn để chỉnh sửa lại cho đúng.

6. Mục đích, nội dung học nghe Tiếng Anh rất quan trọng:

Nội dung nghe tùy thuộc vào mục đích học tiếng Anh của bạn. Bạn hãy tự trả lời câu hỏi: Bạn học tiếng Anh để làm gì?

Ban đầu khi bắt đầu tập nghe, thì như Thanh đã nói ở trên, các chủ đề dễ hiểu và thông thường là các chủ đề mà cần luyện nghe khi nghe Tiếng Anh ở trình độ căn bản. Sau đó:

Nếu bạn muốn học tiếng Anh để giao tiếp hàng ngày, thì bạn nên học tiếng Anh giao tiếp hàng ngày.

Nếu bạn học tiếng Anh vì muốn tìm được một công việc mới tốt hơn, thì bạn nên nghe những nội dung về phỏng vấn xin việc làm bằng Tiếng Anh, nghe tiếng Anh giao tiếp trong văn phòng, nghe tiếng Anh chuyên ngành liên quan đến công việc bạn đang làm hàng ngày.

Nếu bạn muốn học tiếng Anh để thi IELTS, TOEFL, TOEIC, thì bạn nên nghe những bài luyện nghe tiếng Anh học thuật.

Tiếng Anh là ngôn ngữ dùng để giao tiếp giữa những người khắp nơi trên thế giới, nên những chủ đề căn bản về giao tiếp, chào hỏi bạn cũng phải học trước khi học tiếng Anh theo mục đích cá nhân của bạn. Điều này cực kỳ có lợi cho bạn khi giao tiếp với người nước ngoài bằng Tiếng Anh.

Lời khuyên dành cho những bạn thích xem phim ảnh để cải thiện tiếng Anh: Đây cũng là một cách tốt để bạn luyện tiếng Anh, vì nó vừa giúp bạn giải trí, vừa giúp bạn tiếng bộ trong việc luyện nghe.

Nhưng bạn cần chú ý một điều: Những bộ phim bạn xem phải phù hợp với mục đích học tiếng Anh của bạn. Ví dụ: Bạn muốn giỏi Tiếng Anh giao tiếp để đi phỏng vấn xin việc, mà bạn chỉ thích xem phim hành động, thì rất mất thời gian và không biết đến bao giờ bạn mới đạt mục tiêu của bạn. Phim hành động thường sử dụng lời thoại rất ngắn gọn, nhiều khi dùng từ ngữ dung tục, rõ ràng bạn không nên dùng những từ ngữ, câu thoại như vậy khi đi làm việc hoặc đi xin việc làm.

7. Kiên định, chịu khó khi luyện nghe Tiếng Anh:

Nhiều bạn mới luyện nghe Tiếng Anh vài buổi đã chán, hoặc nghe một đoạn băng mới có vài ba lần là thấy nản, là cảm thấy mình tiến bộ quá chậm. Hoặc ngược lại, có bạn mới nghe một bài Tiếng Anh vài lần, là nghĩ mình nghe được rồi, vì cảm thấy mình đã hiểu hết nội dung. Nhưng có khi bạn hiểu nội dung, còn từng câu chữ người ta nói gì, thì bạn chỉ nghe lờ mờ chứ không nghe được hết, và cảm thấy như vậy là đã ổn. Điều này rất nguy hiểm, vì khi bạn gặp đối tác nói tiếng Anh ngoài đời, bạn sẽ không hiểu người ta nói gì, muốn gì. Bạn nên có hứng thú và mục đích rõ ràng khi luyện nghe, thì bạn sẽ không nhanh chán.

Mỗi người có một năng khiếu ngoại ngữ khác nhau, điều quan trọng là bạn phải chịu khó để tiến bộ dần mỗi ngày. Đừng cố gắng nghe những bài Tiếng Anh vượt quá khả năng của mình.

Bạn nên tự đặt cho mình  một lộ trình luyện nghe mỗi ngày và kiên định theo lộ trình này.

8. Tự kiểm tra trình độ nghe của mình:

Để tự kiểm tra trình độ nghe của mình, điều bạn cần làm là:

Bạn nghe thử một bài tiếng Anh khoảng 5 phút theo mục tiêu học tiếng Anh của bạn, nghe qua một lần thôi, rồi bạn tự ghi chú lại các nội dung chính, sau đó đối chiếu lại với nội dung bạn vừa nghe. Bạn nghe được hết các nội dung trong bài không? Có bị hiểu lầm, bỏ sót chỗ nào không? Bạn mắc lỗi như vậy bao nhiêu % trên bài nghe?

Nếu bạn nghe hiểu hết nội dung, không sai sót chỗ nào, thì trình độ nghe của bạn có thể nói là tốt rồi. (Dĩ nhiên là tốt trong nội dung mà bạn đang luyện tập). Nếu bạn chưa hiểu hết nội dung hoặc hiểu sai, thì phải nghe lại nhiều lần và đối chiếu với bài mẫu cho đến khi nghe hiểu được hết các nội dung người ta nói.

Bạn cần tìm càng nhiều tài liệu Tiếng Anh về nội dung mình đang học để nghe càng tốt. Khi nào bạn nghe được hết tất cả các tài liệu mới chỉ bằng một lần nghe duy nhất, thì lúc đó khả năng nghe tiếng Anh của bạn rất tốt rồi.

Sau đó, bạn tìm hiểu và học thêm các chủ đề khác. Bạn luôn luôn nên bắt đầu với các chủ đề thường sử dụng, và sử dụng cùng một phương pháp nghe Thanh đã hướng dẫn ở trên để luyện nghe Tiếng Anh hiệu quả.

Các bạn hãy áp dụng phương pháp và các nội dung ở trên để có thể luyện nghe Tiếng Anh nhân sự và Tiếng Anh các chuyên ngành khác hiệu quả. Khi các bạn nghe được Tiếng Anh, thì việc giao tiếp Tiếng Anh của bạn mới có thể thành công được.

Chúc các bạn thành công.

Thanh McKenzie – English in HR

Better English Better Job Better Salary

 

KHÓA HỌC LIÊN QUAN:

Khóa học Tiếng Anh Nhân Sự – HR Management

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *