Gen Z @ Work – David Stillman and Jonah Stillman


GEN Z @ WORK – David Stillman and Jonah Stillman, 2017

CHÚNG TA THẤY GÌ KHI ‘GEN Z’ ĐÃ BƯỚC VÀO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Thanh đọc cuốn sách Gen Z @ Work năm 2017 là năm mà sách được xuất bản, khi các bạn đời đầu của thế hệ Z được gọi là ‘Gen Zers’ (Sinh từ năm 1995 đến 2012) bắt đầu tốt nghiệp đại học và bước vào thị trường lao động. Cuốn sách này được viết bởi David Stillman và con trai của ông là Jonah Stillman – Một Gen Zer lúc đó 17 tuổi.
Chúng ta cùng xem những nhận định của hai tác giả về thế hệ Z. Thế hệ Z là thế hệ mới đã tiếp bước cho thế hệ Y (sinh từ năm 1980 đến 1994).
1. Gen Z là ai?
Thế hệ Z – Gen Z là những người được sinh ra từ 1995 đến 2012. Người ta còn gọi thế hệ này là ‘iGeneration’ (iGen), chữ ‘i’ liên quan đến các thiết bị/ ứng dụng công nghệ mà họ sử dụng (iPhone, iPod, Wii, iTunes) đồng thời ‘i’ còn nói đến tính ‘cá nhân hóa’ (individualized) của các thiết bị này. Các Gen Z đầu tiên năm nay đã 28 tuổi, đã chững chạc hơn nhiều so với khi mới bắt đầu đi làm.
2. Gen Z nghĩ gì và làm gì?
• Cuộc sống của Gen Z xoay quanh công nghệ, vì đó là những thứ quen thuộc từ khi sinh ra. Nên rất nhiều người thuộc thế hệ Z (Trong sách gọi là ‘Gen Zers’) sẽ lựa chọn công nghệ là một trong các tiêu chí khi chọn công ty đầu quân làm việc. Thanh chứng kiến những công cụ có thể coi là ‘già cỗi’ về công nghệ như máy chiếu, đèn flash, máy tính, bảng điện tử, … đã được các ‘Gen Zers’ tại Anh sử dụng thành thạo từ năm cấp một. Ngoài việc chơi điện tử, làm bài tập trên máy tính, các ‘Gen Zers’ còn dùng Excel để nhập và tính điểm cho các em lớp dưới.
• Thanh nghĩ rằng thế hệ trước đó – Thế hệ Y (Gen Y) nhất là các bạn ‘cuối Y’ đã là những bạn trẻ năng động, dám nghĩ dám làm. Mười năm trước Thanh có dịp quản lý phần tuyển dụng dự án của một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Thanh đã phỏng vấn nhiều bạn sinh viên xuất sắc thuộc thế hệ Y mà khi đó các bạn mới 18 – 20 tuổi. Các bạn đã làm Thanh rất vui mừng vì tài năng và tư tưởng đổi mới, cùng với lòng yêu nước bằng cả trái tim. Thế hệ Z, theo Thanh, đang tiếp tục thừa hưởng điều này và phát huy mạnh mẽ.
• Các ‘Gen Zers’ không quan trọng cấp bậc khi đi làm, thích tìm tòi, nếu sai sẽ tự sửa. Họ đa nhiệm, thích đảm nhận nhiều vai trò trong công việc nhưng vẫn muốn có người dẫn dắt. Họ cũng phân biệt được rõ ràng ai là nhà quản lý, ai là người lãnh đạo.
• Các bạn ‘Gen Zers’ thích tự đặt chức danh cho mình khi làm việc, một số chức danh nghe có vẻ buồn cười và khó hiểu, nhưng lại thúc đẩy các ‘Gen Zers’ hăng say và gắn bó với công việc hơn. Điều này là mới chưa từng có tiền lệ tại các công ty trước đây trên thế giới. Họ cũng muốn tự vạch ra con đường sự nghiệp (career path) riêng biệt cho họ chứ không thích kiểu có sẵn, được sắp đặt theo truyền thống tại các công ty.
• ‘Gen Zers’ cũng quan tâm đến môi trường như Gen Y và sẽ tiếp tục kế thừa sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất đồng thời biết dự báo và ngăn chặn trước khi có dấu hiệu vi phạm xảy ra. Tư tưởng của các bạn ‘Gen Zers’ rộng mở hơn, những vấn đề về ‘đồng tính luyến ái’ hay một vị Tổng thống da màu là điều không còn ngạc nhiên hay gây tranh cãi nữa. Đây là một bước tiến lớn, theo Thanh chính là do thành quả của sự đấu tranh không mệt mỏi từ các thế hệ trước. Họ thực tế hơn, thích lập kế hoạch và kiếm tiền từ nhỏ.
• Họ làm ở đâu cũng được, công ty không cần có trụ sở văn phòng. Họ cũng chả cần kiểu văn phòng không gian mở hay kiểu văn phòng tự trang trí như thế hệ trước, miễn cảm thấy thoải mái và hiệu quả. Nhưng gặp gỡ trực tiếp giữa con người với nhau vẫn là một điều không thể thiếu với các ‘Gen Zers’ mà công nghệ không thể thay thế.

*Chúng ta thấy rằng đại dịch Covid đã làm thay đổi cách con người làm việc và tương tác. Nó đã làm cho các thế hệ trước của thế hệ Z phải tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin như việc sử dụng internet, làm việc từ xa qua laptop và phần mềm,… Chúng ta đều phải thích nghi để sống sót và phát triển sau đại dịch. Điều này có lẽ đã làm cho các thế hệ trước gần hơn về công nghệ thông tin với các bạn ‘Gen Zers’.

• Các ‘Gen Zers’ sợ nhất là không cập nhật được thông tin, nên họ luôn quan tâm đến công nghệ và sẽ ‘sắm đủ bộ’ công nghệ để theo kịp thời đại. Điều này làm họ không thể tập trung cao độ lâu như các thế hệ trước. Nên khi chúng ta đào tạo cho các ‘Gen Zers’ thì nên chia chương trình ra làm nhiều phần nhỏ để đào tạo thay vì tập trung đào tạo một lần. You Tube cũng là một ‘người thầy’ mà các ‘Gen Zers’ chọn lựa khi muốn tìm hiểu hoặc học hỏi một điều gì. Giải trí trên Facebook không còn là lựa chọn số một nữa mà thay vào đó là Snapchat hay Instagram, TikTok.

Trong sách, tác giả ghi ra 7 đặc tính của thế hệ Z bao gồm:
– Phigital: Ranh giới giữa thế giới vật lý và thế giới kỹ thuật số đối với thế hệ Z không chỉ bị xóa mờ mà đã bị loại bỏ hoàn toàn.
– Hyper-Custom: ‘Gen Zers’ luôn làm việc chăm chỉ trong việc xác định và điều chỉnh thương hiệu của họ để thế giới biết đến.
– Realistic – Thế hệ Z có tư duy rất thực dụng khi chuẩn bị cho tương lai.
– FOMO: Thế hệ Z mang nỗi sợ hãi mãnh liệt về việc bị bỏ lỡ bất cứ điều gì.
– Weconomists: Thế hệ Z chỉ biết đến một thế giới có nền kinh tế chia sẻ, họ chọn làm việc cho các công ty có tiếng ‘vì cộng đồng’.
– DIY: Thế hệ Z là thế hệ tự làm, tự thực hiện công việc.
– Driven: Thế hệ Z là một thế hệ ‘có động lực’, họ cạnh tranh với những người làm cùng công việc.

3. Mô hình quản lý không cấp bậc Holacracy và các start-up (Công ty khởi nghiệp) ở Việt Nam
Vậy theo những gì chúng ta vừa xem về đặc tính của các ‘Gen Zers’, mô hình quản lý không cấp bậc kiểu như Holacracy rõ ràng sẽ có chỗ đứng trong thế hệ Z. Có thể nó vẫn chưa phát triển mạnh mẽ trong vài năm tới, có thể nó có nhiều nhược điểm cũng như tranh cãi về tính hiệu quả, nhưng Holacracy là thêm một lựa chọn mô hình khởi nghiệp cho công ty của bạn. Bởi vì khi công ty đã lớn mạnh, thì việc tái cấu trúc từ mô hình cấp bậc truyền thống sang không cấp bậc sẽ là một thử thách không hề đơn giản, cho dù tái cấu trúc toàn bộ công ty hay chỉ là một vài phòng ban.
Các bạn có thể đọc bài về Holacracy – mô hình quản lý không cấp bậc tại link:

Holacracy – Mô hình quản lý không cấp bậc
Mô hình quản lý Holacracy này vẫn khó được áp dụng rộng rãi trên thế giới nhất là ở Châu Á, nơi tư tưởng đề cao chức danh và cấp bậc trong xã hội vẫn còn cắm rễ trong nhận thức của các thế hệ trước.

4. Còn bao lâu trước khi thế hệ tiếp theo bước vào thị trường lao động?

Giữa các thế hệ lúc nào cũng có khoảng cách không thể xóa bỏ. Chúng ta đã có kiến thức hoặc sự trải nghiệm với các thế hệ trước đây từ thế hệ truyền thống, thế hệ bùng nổ dân số, cho đến thế hệ X và Y. Nếu chúng ta không đọc vị được Thế hệ Z thì chúng ta sẽ không tận dụng hết tài năng do thế hệ này mang lại. Thế hệ tiếp theo là thế hệ Anpha – Gen Alpha (Sinh từ năm 2013) sẽ bước vào thị trường lao động từ năm 2031 khi các bạn ấy 18 tuổi, nghĩa là còn 8 năm nữa. Như vậy việc tìm hiểu các bạn ấy từ bây giờ có là sớm không? Đây là câu hỏi đặt ra với những người đang làm nhân sự? Cũng như hiện nay, khi AI bắt đầu bùng nổ, thì người ta đã đặt ra câu hỏi: ‘What comes after AI?’, ‘What’s next after AI?’ – Tiếp theo trí tuệ thông minh – AI – Artificial Intelligence sẽ là gì? (Các bạn có thể tìm thông tin trên mạng để đọc thêm bằng cách đánh hai câu hỏi này vào Google).
Thanh đã tiếp xúc nhiều với các ‘Gen Zers’ tại Việt Nam. Thanh lại có dịp tiếp xúc và làm việc với một số Gen Zers tại Anh. Thanh rất mong các Gen Zers ở Việt Nam sẽ bắt kịp thế hệ của các bạn ở Anh, Mỹ.
Thanh sử dụng thông tin tham khảo từ cuốn GEN Z @ WORK của David Stillman và Jonah Stillman. Cuốn sách là quà tặng Giáng Sinh từ một ‘Gen Zer’, được viết bởi 2 tác giả Mỹ (Xuất bản năm nay 2017) nên sẽ gần với các ‘Gen Zers’ ở Anh hơn là ở Việt Nam. Cuốn sách nêu lên quan điểm của tác giả (mặc dù có nghiên cứu) nên theo Thanh nó được viết dưới góc nhìn cá nhân của tác giả và không thể phản ánh toàn bộ thế hệ Z ngay cả ở nước Mỹ – nơi mà tác giả sống, cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách giữa ‘Gen Zers’ các nước đã được thu hẹp một phần nhờ công nghệ.

Thanh McKenzie – English in HR
Better English Better Job Better Salary
#sachnhansu ; #sachtienganh
#tienganhnhansu ; #englishinhr

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *