Tiếng Anh Nhân Sự đưa ra một số lưu ý/ lời khuyên hữu ích giúp các bạn có một buổi phỏng vấn bằng Tiếng Anh thành công và tìm được công việc như mơ ước.

Dùng bảng mô tả công việc trong thông báo tuyển dụng để trả lời câu hỏi phỏng vấn Tiếng Anh (1)

Để trả lời câu hỏi phỏng vấn Tiếng Anh thành công, bạn cần đọc kỹ bản mô tả công việc (Job Description) hoặc yêu cầu công việc (Job requirements) trong thông báo tuyển dụng. Các công ty nước ngoài thường viết thông báo tuyển dụng bằng Tiếng Anh cho các vị trí văn phòng, vị trí quản lý và các vị trí mà ứng viên cần phải sử dụng Tiếng Anh khi làm việc. Đây là một điều tốt đối với bạn vì bạn có thể sử dụng các nội dung bằng tiếng Anh này để luyện tập các câu trả lời phỏng vấn. Tôi sẽ hướng dẫn các bạn ngay bên dưới đây.

Trong thông báo tuyển dụng của một vị trí thường có các phần quan trọng sau:

  • Nhiệm vụ cần phải thực hiện của vị trí này.
  • Kỹ năng yêu cầu người giữ vị trí phải có.
  • Những bằng cấp mà người giữ vị trí này phải có.
  • Số năm kinh nghiệm người giữ vị trí phải có.

Đây là những nội dung quan trọng mà khi đi phỏng vấn Tiếng Anh, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn. Nên chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ về chúng và chuẩn bị sẵn sàng để trả lời các câu hỏi phỏng vấn có nội dung này thành công bằng Tiếng Anh.

Tôi sẽ lần lượt nói về các nội dung này và hướng dẫn các bạn cách chuẩn bị:

(*) Nhiệm vụ cần phải thực hiện:

Sau khi đọc kỹ bản mô tả công việc của vị trí tuyển dụng tại mục trách nhiệm công việc và các phần việc phải làm (Responsibilities and duties/ tasks), bạn đã biết được ở vị trí này bạn cần thực hiện những nhiệm vụ gì. Bạn so sánh các nhiệm vụ cần thực hiện trong bảng mô tả công việc của vị trí tuyển dụng với các nhiệm vụ bạn đang thực hiện tại công ty hiện tại của bạn và các nhiệm vụ bạn đã thực hiện ở các công ty cũ. Bạn liệt kê các nhiệm vụ trong bảng mô tả công việc này ra và để vào một thư mục riêng, tôi lấy ví dụ bạn copy chúng vào một file word chẳng hạn.

Như vậy, trong bản mô tả công việc của vị trí tuyển dụng sẽ còn lại các nhiệm vụ hay là các đầu mục công việc mà bạn chưa thực hiện bao giờ. Bạn copy chúng ra riêng một file hoặc ngay bên dưới các đầu mục công việc mà bạn đã có kinh nghiệm thực hiện.

Tiếp theo, bạn copy các nhiệm vụ cần thực hiện này vào google translation trên internet, bạn chọn ngôn ngữ là Tiếng Anh. Bạn nhấp vào biểu tượng loa trên google translation bên dưới phần bạn mới copy vào, google translation sẽ đọc lên bằng Tiếng Anh. Bạn nghe google translation đọc và lặp lại theo bài đọc. Chúng ta nhớ là việc tập đọc Tiếng Anh chỉ hiệu quả khi bạn thực hiện quá trình Nghe – Đọc, nghĩa là phải nghe trước tiên sau đó đọc to lên theo câu đã nghe. Việc chỉ đọc to lên mà không nghe trước đó sẽ không giúp ích cho bạn trong việc cải thiện kỹ năng phát âm Tiếng Anh và kỹ năng phát âm/ kỹ năng nói của bạn.

Bạn có thể ngắt các nhiệm vụ ra thành từng đoạn nhỏ để nghe và lặp lại theo đó. Bạn thực hiện với cả các nhiệm vụ mà bạn đã từng làm trong quá khứ và các nhiệm vụ mà bạn chưa từng làm bao giờ. Việc lặp lại nghe – đọc theo này sẽ giúp bạn quen tai với các từ Tiếng Anh, giúp bạn phát âm chuẩn, giúp bạn nói một đoạn Tiếng Anh ngắn và dài, đồng thời giúp bạn nhớ được các nhiệm vụ phải làm của vị trí này là gì. Khi bạn đi phỏng vấn và trả lời câu hỏi Phỏng vấn bằng Tiếng Anh bạn sẽ có thể trả lời hiệu quả.

Đối với các nhiệm vụ bạn chưa từng thực hiện trước đây, nhưng bạn tin là bạn có thể thực hiện được bằng kinh nghiệm và kiến thức hiện có (Bạn nêu rõ ra là kinh nghiệm và kiến thức hiện có có thể áp dụng được vào các nhiệm vụ này là gì), hoặc bằng một khóa học ngắn hạn (Nêu tên khóa học), thì bạn nên soạn câu trả lời bằng Tiếng Việt ra dựa trên nội dung mà bạn tin là bạn có thể thực hiện được và tên khóa học sẽ giúp ích cho bạn, sau đó đưa vào google translation dịch và chỉnh sửa lại phần Tiếng Anh nếu bạn có thể chỉnh, sau đó luyện tập trả lời. Nếu bạn không thể chỉnh thì tôi khuyên là bạn nên nhờ một người bạn giỏi Tiếng Anh hỗ trợ, hoặc bạn cứ để như vậy rồi trả lời bằng Tiếng Anh một cách tự tin. Đây là một cách chữa cháy nếu chúng ta không thể huy động được nguồn lực cần thiết hỗ trợ về Tiếng Anh. Khi trả lời câu hỏi phỏng vấn bằng Tiếng Anh, tự tin góp một phần đáng kể trong việc thành công.

Bây giờ chúng ta nói một chút về CV của bạn.

Nếu CV của bạn được viết bằng Tiếng Anh, thì trong CV của bạn sẽ có liệt kê các đầu mục công việc mà bạn đang làm và đã làm bằng Tiếng Anh. Bạn cũng có thể thay các đầu mục nhiệm vụ công việc phải làm trong vị trí tuyển dụng (các đầu mục công việc tương tự với đầu mục công việc bạn đang/ đã làm) bằng các đầu mục công việc trong CV của bạn, đưa vào google translation cho đọc và bạn tập đọc theo. Bằng cách này, thay vì bạn dùng từ ngữ Tiếng Anh của vị trí đăng tuyển, thì bạn dùng từ ngữ Tiếng Anh trong CV của chính bạn để tập đọc/ tập phát âm. Điều này có thể dễ dàng hơn cho bạn trong việc luyện tập vì từ ngữ Tiếng Anh đó là do bạn viết ra.

Nếu CV của bạn bằng Tiếng Việt (Khả năng cao là bạn không được mời phỏng vấn bằng Tiếng Anh nếu vị trí tuyển dụng được viết bằng Tiếng Anh nhưng CV của bạn viết bằng Tiếng Việt), thì bạn chỉ có một cách tập trả lời Tiếng Anh như cách ban đầu tôi đã hướng dẫn, là copy nhiệm vụ của vị trí tuyển dụng vào google translation cho đọc Tiếng Anh và tập đọc theo.

Một số câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng bằng tiếng Anh liên quan đến nhiệm vụ công việc:

  • What do you know about this position?
  • Why do you think you are a good fit for this position?
  • Tell me about your experience.

(*) Kỹ năng yêu cầu

Chúng ta nói đến yêu cầu tiếp theo của vị trí tuyển dụng là những kỹ năng yêu cầu mà ứng viên cần phải có để đáp ứng được công việc.

Những kỹ năng yêu cầu ứng viên cần có sẽ bao gồm hai loại: Các kỹ năng bắt buộc mà vị trí này phải có, và các kỹ năng cộng thêm mà nếu ứng viên có thì rất tốt còn nếu không có cũng không ảnh hưởng đến công việc hoặc nếu không có thì công ty có thể đào tạo nhanh chóng nếu nhận ứng viên vào làm việc.

Thường thì các kỹ năng bắt buộc phải có sẽ được viết lên đầu tiên, sau đó đến các kỹ năng cộng thêm. Có công ty ghi rõ ra là họ bắt buộc ứng viên phải có những kỹ năng gì, họ mong muốn ứng viên có kỹ năng cộng thêm gì. Tuy nhiên có công ty gộp chung lại và viết chung trong phần các kỹ năng yêu cầu. Cho nên nếu không ty không ghi rõ ra, thì chúng ta cần phải tự đánh giá xem ở vị trí này, các kỹ năng yêu cầu nào là bắt buộc tính từ trên xuống và tập trung vào luyện tập trả lời bằng Tiếng Anh đối với những kỹ năng này.

Bạn cũng thực hiện các bước như tôi đã hướng dẫn trong phần trước “Nhiệm vụ cần phải thực hiện”. Nghĩa là bạn tập hợp riêng ra hai loại kỹ năng: loại kỹ năng mà bạn có và loại kỹ năng bạn không có, sau đó dùng google translation để luyện tập phần phát âm và phần tập nói Tiếng Anh.

Các kỹ năng công ty yêu cầu mà bạn không có, thì bạn cần nhanh chóng bổ sung, có thể qua sách, qua internet, nhờ người có chuyên môn hướng dẫn. Nếu bạn vẫn không có được chúng trước buổi phỏng vấn, thì bạn cần cho nhà tuyển dụng biết hướng giải quyết của bạn về các kỹ năng bạn chưa có, có thể qua các khóa học mà bạn sẽ học nếu trúng tuyển. (Đây cũng nên là câu trả lời của bạn cho câu hỏi “What is your greatest weaknesses?”)

Một số câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng bằng tiếng Anh liên quan đến kỹ năng yêu cầu:

  • What is your strengths?
  • Tell me about your skills.
  • Why do you think you are a good fit for this position?
  • Tell me about your experience.

(*) Bằng cấp và số năm kinh nghiệm mà vị trí này phải có

Về bằng cấp và số năm kinh nghiệm thì có thể bạn đáp ứng được hoặc không đáp ứng được yêu cầu dự tuyển. Nên phần này thường là phần chúng ta cần tự tập trả lời bằng Tiếng Anh.

Bạn có thể dùng google translation để dịch bằng cấp của bạn nếu bạn không tự dịch được. Nhưng thường đối với bằng đại học, thì tên trường và chuyên ngành của bạn bằng Tiếng Anh đã có trên website của trường, bạn lên đó tìm và lấy xuống. Các chứng chỉ thì có thể có sẵn bằng Tiếng Anh có thể không, bạn có thể lên google translation để dịch nếu bạn không nhờ ai dịch dùm được, hoặc bạn xem trong thông báo tuyển dụng về các chứng chỉ mà công ty yêu cầu, có khi phần Tiếng Anh tương tự nội dung với chứng chỉ của bạn thì bạn có thể lấy nội dung Tiếng Anh đó.

Sau đó, bạn cũng cần nhập chúng vào google transation để nghe và tập phát âm Tiếng Anh, tập nói theo đó.

Một số câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng bằng tiếng Anh liên quan đến bằng cấp và số năm kinh nghiệm:

  • What is your strengths?
  • Why do you think you are a good fit for this position?
  • Tell me about your experience.

Những điều cần lưu ý:

  • Bạn cần luyện tập các nội dung này thường xuyên để trả lời các câu hỏi phỏng vấn bằng Tiếng Anh. Bạn luyện tập câu trả lời bằng Tiếng Anh bao nhiêu lần thì tỉ lệ thành công của bạn sẽ tăng lên theo đó.
  • Văn viết luôn dài dòng hơn văn nói, điều này đúng với Tiếng Việt và cũng đúng đối với Tiếng Anh. Nên khi chuẩn bị trả lời phỏng vấn bằng Tiếng Anh, bạn cần dùng câu từ càng đơn giản càng tốt, nhưng phải chính xác vào trọng tâm của vấn đề được hỏi. Các phần quan trọng trong một thông báo tuyển dụng mà tôi đã nói (Nhiệm vụ cần phải thực hiện của vị trí này; Kỹ năng yêu cầu; Bằng cấp; Số năm kinh nghiệm) nếu được viết quá dài dòng, thì bạn cần cắt ngắn chúng lại thành các câu ngắn hơn để dễ đọc, dễ nhớ. Bạn đừng quá chú ý đến ngữ pháp Tiếng Anh nếu ngữ pháp của bạn không tốt, vì đây là cách chúng ta tự học trả lời phỏng vấn chứ không có giáo viên thực hành, nên điều quan trọng là bạn cần nhớ nội dung của các phần này là gì, từ ngữ Tiếng Anh họ dùng là gì. Bạn cần tra từ mới trong thông báo tuyển dụng bằng Tiếng Anh của công ty bạn muốn dự tuyển và học thuộc chúng, để khi nhà tuyển dụng hỏi thì bạn hiểu hết ý để trả lời hiệu quả.

 Tìm hiểu thông tin về công ty trước buổi phỏng vấn (2) 

Ngoài kinh nghiệm, bằng cấp và kỹ năng của bạn là những điều mà bạn cần chứng tỏ là bạn phù hợp với vị trí dự tuyển, bạn cũng cần chứng tỏ là bạn có tìm hiểu kỹ về công ty mà bạn muốn làm việc.

Mỗi công ty đều tự hào về lịch sử hình thành và phát triển của họ. Vì vậy chúng ta cần tìm hiểu kỹ về công ty để chứng tỏ chúng ta có quan tâm đến công ty, chứ không chỉ nhắm vào mức lương, phúc lợi và sự phát triển nghề nghiệp của vị trí đó (Nghĩa là chúng ta cần chú trọng vào việc công ty sẽ có lợi gì, chúng ta sẽ giúp được gì cho công ty hơn là chúng ta có thể lấy được những gì từ công ty). Sự tìm hiểu kỹ về công ty và cho thấy vì sao bạn yêu thích công ty cũng cho thấy sự phù hợp của bạn với văn hóa công ty, đây sẽ là một điểm cộng cho bạn khi đi phỏng vấn tìm việc bằng Tiếng Anh.

Bên dưới là các thông tin về công ty mà chúng ta cần biết rõ:

  • Quy mô công ty (company size).
  • Đối thủ mạnh nhất của công ty (main competitor) là ai?
  • Các sản phẩm chủ lực của công ty (main products) là gì? Ưu nhược điểm nếu có so với sản phẩm cùng loại của công ty đối thủ và của một công ty khác nổi trội trên thị trường.
  • Tầm nhìn (vision), sứ mệnh (mission), giá trị cốt lõi (core value) của công ty là gì?

Tìm hiểu về thông tin công ty ở đâu?

Bạn có thể tìm hiểu về công ty qua nhiều nguồn: Website của công ty, các trang web đánh giá về công ty, các vị trí đăng tuyển khác của công ty, tham khảo từ bạn bè người quen của bạn.

Việc trả lời phỏng vấn bằng Tiếng Anh sẽ không quá khó nếu bạn có sự chuẩn bị đầy đủ, nghĩa là bạn viết câu trả lời ra giấy hoặc trên một file máy tính, chuyển chúng sang Tiếng Anh, tập dợt nhiều lần cho đến khi thành thạo.

Chuẩn bị câu trả lời sẵn cho các câu hỏi phỏng vấn Tiếng Anh thường gặp (3) 

Sau đây là 10 câu hỏi thường gặp nhất khi đi phỏng vấn bằng Tiếng Anh:

  1. Tell us about yourself.
  2. Why do you want to work for us?
  3. Where do you see yourself in 5 years’ time?
  4. What are your strengths and weaknesses?
  5. Why do you want to leave your current job?
  6. Tell me about a time you work in a team.
  7. What do your co-workers say about you?
  8. Why should we hire you?
  9. How much money do you want?
  10. Do you have any questions for us?

Đối với 10 câu hỏi phỏng vấn Tiếng Anh thường gặp này, chúng ta cần chuẩn bị trước câu trả lời bằng tiếng Anh để trả lời hiệu quả.

Bạn càng chuẩn bị kỹ câu trả lời bằng Tiếng Anh chừng nào thì bạn càng có cơ hội thành công trong cuộc phỏng vấn cao chừng nấy. Bạn đừng cố học thuộc lòng theo những gì bạn đã soạn ra, mà bạn cần đọc to lên câu trả lời của bạn nhiều lần, sau đó bạn nhớ ý chính để nói lại theo đó nhiều lần. Việc tập trả lời một câu hỏi bằng Tiếng Anh một trăm lần sẽ giúp bạn tâng tỉ lệ đậu phỏng vấn lên 100 lần.

Khi tập trả lời bằng Tiếng Anh, bạn phải nói to lên và rõ ràng, chậm rãi chứ không được đọc thầm trong miệng. Bạn cũng không nên đọc quá nhanh, đọc lướt âm, lướt từ Tiếng Anh vì khi bạn luyện tập điều cần lưu ý là chậm và rõ ràng.

Khi bạn gặp nhà tuyển dụng, bạn đừng cố nói quá nhanh bằng Tiếng Anh. Nhà tuyển dụng sẽ không kịp nắm bắt những gì bạn nói vì: Nếu trình độ Tiếng Anh của họ thấp hơn bạn thì bạn làm lỡ mất cơ hội để nhà tuyển dụng hiểu về bạn vì họ nghe không kịp. Nếu trình độ Tiếng Anh của họ cao hơn bạn, mà bạn trả lời có sai sót, họ sẽ đánh giá là bạn không biết cách giao tiếp với người đối diện mà chỉ muốn chứng tỏ trình độ Tiếng Anh của mình. Một điểm nữa là giọng Tiếng Anh của bạn (accent) chưa quen thuộc với họ, nên ban đầu họ sẽ phải mất thời gian nhiều hơn để hiểu bạn. Nên bạn chỉ cần nói chậm rãi và rõ ràng, nhấn mạnh vào nội dung cần trả lời là đạt yêu cầu.

Luyện nghe các câu hỏi phỏng vấn bằng tiếng Anh trước khi đi phỏng vấn (4)

Khi chúng ta đi phỏng vấn, chúng ta không nhìn thấy các câu hỏi phỏng vấn (interview questions), mà chúng ta chỉ nghe các câu hỏi này từ miệng của nhà tuyển dụng. Nếu bạn chưa nghe quen các câu hỏi phỏng vấn bằng Tiếng Anh, đồng thời chưa nghe quen giọng của nhà tuyển dụng, chắc chắn bạn sẽ bị bỡ ngỡ với các câu hỏi bằng Tiếng Anh. Vì vậy bạn có thể hiểu một phần câu hỏi, hoặc có thể bạn hoàn toàn không hiểu nhà tuyển dụng đang muốn hỏi gì. Như vậy, cho dù bạn tập dượt phần trả lời bằng Tiếng Anh nhiều lần, mà không nghe ra được câu hỏi, thì điều này là vô ích vì bạn không thể trả lời theo đúng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Để giải quyết vấn đề này, bạn copy 10 câu hỏi phỏng vấn ở trên, đưa chúng vào google translation và nhấp vào loa để nghe đọc. Khi nghe nhiều lần, bạn sẽ quen với các câu hỏi này. Đến khi bạn đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng hỏi là bạn phản xạ được ngay. Trên microsoft word cũng có một phần mềm giúp đọc văn bản Tiếng Anh, bạn có thể sử dụng để nghe thêm một giọng đọc Tiếng Anh nữa.

Ngoài 10 câu hỏi phỏng vấn kinh điển này, sẽ có vô số các câu hỏi khác mà nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn. Bạn có thể tìm thêm trên internet để luyện nghe.

Cho dù các bạn luyện trả lời phỏng vấn bao nhiêu câu hỏi đi nữa, thì cũng sẽ có một câu trong buổi phỏng vấn mà bạn chưa chuẩn bị, do bạn không thể đoán hết được những gì nhà tuyển dụng có thể hỏi. Nên bằng cách phân bổ câu hỏi theo các nội dung ở trên, bạn sẽ có nhiều cơ hội nhất để trả lời chính xác, tự tin và hiệu quả. Bạn sẽ dành sức của bạn cho chỉ một câu hỏi mà bạn chưa biết thôi.

Nguyên tắc thỏa thuận mức lương khi đi phỏng vấn bằng Tiếng Anh (5)

Tôi biết nhiều bạn có chuyên môn rất tốt, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, nhưng vì không có kỹ năng trong việc thỏa thuận lương và phúc lợi (salary and benefits) nên không đạt được mức lương mình mong muốn, mà có khi còn mất cơ hội có được công việc yêu thích. Tôi sẽ hướng dẫn bạn một số nguyên tắc cần nắm để thỏa thuận mức lương thành công khi đi phỏng vấn bằng Tiếng Anh.

Nếu công ty hỏi bạn về mức lương mong đợi (desired salary) ngay khi họ gọi để trao đổi lần đầu với bạn qua điện thoại, hoặc hỏi trong lần phỏng vấn đầu tiên, thì câu trả lời phù hợp nên là: “Ở giai đoạn này, tôi chưa nghĩ đế mức lương, mà tôi quan tâm nhiều hơn đến nhiệm vụ công việc và sự phù hợp của bản thân đối với công ty và với những người mà tôi sẽ làm việc cùng. Nếu chúng ta có sự phù hợp với nhau về hai nội dung này, chúng ta sẽ bàn đến lương bổng và phúc lợi trong lần trao đổi tiếp theo”. Bạn cũng không nên cung cấp cho nhà tuyển dụng thông tin về mức lương tại công ty hiện tại. Bạn có thể nói đây là quy định bảo mật lương tại công ty mà bạn đang làm việc.

Việc tìm hiểu thông tin về mức lương của công ty mà bạn ứng tuyển, bạn nên thực hiện trước cuộc phỏng vấn đầu tiên, ngay từ lúc bạn định nộp đơn vào công ty. Bạn có thể tìm thông tin về lương trên mạng qua các quảng cáo vị trí tuyển dụng tương tự với vị trí bạn đang ứng tuyển (Tìm công ty có quy mô tương tự với công ty bạn đang ứng tuyển). Bạn cũng có thể hỏi thông tin lương qua bạn bè, đồng nghiệp cũ, các mối quan hệ quen biết khác. Việc tìm hiểu thông tin về lương là một phần quan trọng giúp bạn quyết định có nên ứng tuyển vào công ty này hay không và giúp bạn có thể thỏa thuận thành công về mức lương về sau.

Bạn lưu ý là ngoài lương, thì các chế độ phúc lợi khác cũng rất quan trọng để bạn quyết định có nên làm việc tại một công ty, ví dụ như: Thời giờ làm việc, các khoản phụ cấp, chế độ bảo hiểm y tế tư/ khám chữa bệnh tư cho gia đình bạn chẳng hạn, cơ hội học tập, cơ hội thăng tiến,… Nhưng lương sẽ luôn là điều kiện cơ bản để bạn so sánh với các vị trí tương tự ở công ty khác.

Sau cuộc phỏng vấn đầu tiên, bạn cần phỏng đoán sự phù hợp của bạn với công việc và với công ty bằng cách: Xem quy mô thực sự của công ty có như những gì họ quảng cáo trên web hay như lời đồn không, cách làm việc/ ăn mặc của nhân viên công ty, cách họ đối xử với ứng viên và với khách hàng của họ như thế nào, văn hóa công ty của họ như thế nào …

Như vậy, nếu sau cuộc phỏng vấn đầu tiên mà công ty từ chối bạn với lý do bạn không phù hợp, thì bạn cũng biết chắc chắn là không phải do mức lương.

Nếu sau khi bạn đã vượt qua vòng phỏng vấn (và bạn đã qua được các phương pháp kiểm tra khác ví dụ bài kiểm tra năng lực chẳng hạn), công ty quyết định bạn là người phù hợp cho vị trí này, và muốn thỏa thuận mức lương với bạn, thì giai đoạn này là lúc bạn có thể thương lượng về lương bổng và phúc lợi với công ty. Bạn đừng bao giờ đưa ra một mức lương cụ thể mà bạn nên đưa ra một mức lương dao động, ví dụ bạn nói là một mức lương từ khoảng 20 triệu đến 30 triệu/ tháng thì bạn có thể làm được. Bạn đưa ra một mức lương dao động để hai bên có thể đàm phán dễ dàng hơn và bạn không bị hớ từ đầu. Nhà tuyển dụng cũng có thể sẽ là người đưa ra mức lương đề nghị cho bạn, nếu được như vậy thì cũng rất tốt, vì bạn có thể dựa vào mức lương đó để thỏa thuận.  

Bạn nên tự tưởng tượng ra việc trao đổi về lương sẽ diễn ra như thế nào, rồi luyện tập trước câu trả lời bằng Tiếng Anh cho phù hợp. Bạn cần luyện tập nhiều lần để câu trả lời và các câu trao đổi qua lại có ngữ điệu tự nhiên, ngắn gọn dễ hiểu.

Một số câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng bằng tiếng Anh liên quan đến mức lương:

  • What’s your current salary?
  • Can you tell me about your salary levels in your previous positions?
  • Would you accept a position for less pay?
  • What are your salary expectations for this position?

Khi nào cần cung cấp thông tin người tham khảo (6)

Người tham khảo là người mà công ty sẽ điện thoại để hỏi về quá trình làm việc ở công ty hiện tại hoặc công ty cũ của bạn, nhằm có thêm thông tin giúp họ ra quyết định tuyển dụng bạn hay không. Bạn chính là người cung cấp thông tin người tham khảo cho nhà tuyển dụng. Như vậy, người tham khảo có vai trò quan trọng trong quá trình tìm việc của bạn. Người tham khảo thường là quản lý cũ, quản lý hiện tại hoặc đồng nghiệp của bạn.

  • Bạn đừng nên cung cấp cho nhà tuyển dụng họ tên, chức danh, điện thoại/ email của người tham khảo ở lần gặp trao đổi đầu tiên, cũng không để trong CV của bạn, cũng không điền các thông tin này vào đơn dự tuyển (application form), vì bạn chưa biết bạn có phải là người phù hợp với công ty hay không nên bạn không thể đưa thông tin của người tham khảo ở giai đoạn này.
  • Bạn chỉ nên cung cấp thông tin của người tham khảo từ lần gặp phỏng vấn hoặc lần trao đổi thứ hai với công ty, và chỉ sau khi nhà tuyển dụng xác nhận bạn là ứng viên phù hợp cho vị trí mà họ đang tuyển. Bạn làm như vậy để tránh sự phiền hà cho người tham khảo của bạn. Đa phần họ là quản lý cũ (Hoặc hiện tại) của bạn, nên bạn sẽ không muốn họ bị làm phiền nhiều lần bởi nhiều nhà tuyển dụng. Bạn nên rất hạn chế đưa thông tin sếp hiện tại của bạn như người tham khảo, mà nên là sếp cũ ở công ty bạn đã nghỉ việc. Vì bạn không muốn sau khi nhà tuyển dụng liên lạc với người sếp hiện tại của bạn, họ phản hồi là bạn không phải người phù hợp với công việc, lúc đó bạn sẽ lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười với sếp hiện tại của bạn.
  • Vì một số lý do trên, bạn cần xin phép trước người tham khảo của bạn về việc nhờ họ hỗ trợ bạn. Nếu bạn biết là nhà tuyển dụng sắp gọi người tham khảo để hỏi thông tin về bạn, thì bạn cần cho người tham khảo biết tình trạng hiện thời của bạn là sẽ có chị X ở công ty Y chẳng hạn sắp điện thoại hoặc gửi email tham khảo thông tin về bạn, để người tham khảo của bạn có sự chuẩn bị trước khi nhà tuyển dụng liên lạc.

Trên đây là 6 lời khuyên từ Tiếng Anh Nhân Sự giúp các bạn có một buổi trả lời phỏng vấn bằng Tiếng Anh thành công. Bạn chỉ cần dành thời gian và kiên nhẫn thì kết quả mang lại sẽ hoàn toàn xứng đáng với công sức của bạn.

Chúc các bạn tự tin trả lời câu hỏi phỏng vấn bằng Tiếng Anh thành công.

Thanh McKenzie – English in HR

Better English Better Job Better Salary

 

KHÓA HỌC LIÊN QUAN:

Khóa học Tiếng Anh Nhân Sự – HR Management

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *