Hôm nay Thanh sẽ giới thiệu đến các bạn một từ Tiếng Anh mới – HOLACRACY.

Đây là một từ Tiếng Anh nhân sự khá mới chưa có định nghĩa trong từ điển. Từ này nằm trong loạt bài dạy Tiếng Anh chuyên ngành nhân sự cho học trò của Thanh về chủ đề “Văn Hóa Công Ty”, Thanh thấy hay nên đưa lên đây cho các bạn tham khảo.

1. HOLACRACY là gì?

Holacracy là kiểu mô hình quản lý không cấp bậc, không cần sếp hay chức danh. Như vậy thẩm quyền và quyền ra quyết định được trao lại cho từng cá nhân hoạt động trong từng nhóm, chứ không quản lý theo cấp bậc như công ty truyền thống.

Các công ty hoạt động theo kiểu ‘Holacracy’ sẽ chia công việc theo vai trò (role), chứ không theo bảng mô tả công việc (job description). Một người sẽ đảm nhận nhiều ‘role’ và nằm trong một nhóm được gọi là vòng tròn (circle).

Các thành viên trong nhóm và giữa các nhóm sẽ gặp nhau hàng tuần hoặc hàng tháng để trao đổi về công việc. Họ cũng có quyền đề nghị thay đổi chính sách trong nhóm, thay đổi hoặc hợp nhất các ‘role’. Không có sếp nên các thành viên trong nhóm tự đánh giá công việc lẫn nhau.

Theo Thanh tìm hiểu thì chỉ có một số công ty đang hoạt động theo kiểu này trên thế giới ví dụ như Zappos. Tuy nhiên, tại Zappos, 14% nhân viên rời công ty năm 2015 do không phù hợp với kiểu tổ chức này. Một công ty khác là Medium từng nhiều năm hoạt động theo kiểu ‘Holacracy’ cũng từ bỏ vào năm 2016.

Có nhiều mặt tích cực, tiêu cực cũng như tranh cãi về quản lý theo kiểu ‘Holacracy’. ‘Holacracy’ được cho là làm tăng tính hiệu quả, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình trong tổ chức. Mô hình quản lý không cấp bậc Holacracy khuyến khích thành viên trong nhóm chủ động đồng thời đưa ra quy trình giải quyết các vấn đề cần quan tâm trong nhóm. Hệ thống phân quyền làm giảm gánh nặng cho các nhà lãnh đạo để đưa ra quyết định.

Mô hình quản lý không cấp bậc Holacracy cũng gặp phải nhiều chỉ trích về tính hiệu quả của nó như mất thời gian để đạt sự đồng thuận, quan liêu, các nhóm phụ trong một nhóm lớn nhận ít thông tin đưa xuống hơn, tăng gánh nặng về mặt tâm lý, gây khó khăn trong tuyển dụng, có vấn đề về thưởng phạt và lộ trình thăng tiến theo chức danh…

2). HIERARCHY – Mô hình quản lý trái ngược với HOLACRACY

Ngược lại với Kiểu mô hình quản lý không cấp bậc Holacracy là mô hình quản lý theo cấp bậc Hierarchy /ˈhaɪə.rɑː.ki/ . Quản lý theo cấp bậc là kiểu quản lý truyền thống của các công ty từ trước đến giờ, nghĩa là có nhiều tầng quản lý giữa nhân viên thấp nhất và cấp lãnh đạo cao nhất.

Đa số các công ty trên thế giới hoạt động theo kiểu mô hình phân cấp bậc Hierarchy.

 3). HOLACRACY hay HIERARCHY

Lúc tôi viết bài này lần đầu tiên đăng trên facebook cá nhân ( ……) cách đây nửa năm thì tôi chưa nghe nói  có công ty nào ở Việt Nam hoạt động theo mô hình quản lý không cấp bậc Holacracy. Sau đó một học trò của tôi chuyển công tác sang làm Trưởng phòng nhân sự cho một công ty mới thành lập (Start-up) trong mảng giáo dục. Công ty này hoạt động theo mô hình quản lý không cấp bậc tương tự như Holacracy. Bạn ấy rất thích thú với mô hình này vì bạn cho rằng thích hợp với những người trẻ như bạn, giúp bạn có thể phát huy hết khả năng của mình. Các công ty bạn làm trước đây đều theo kiểu mô hình quản lý theo cấp bậc Hierarchy

Theo bài nói chuyện của Brian Robertson – Cha đẻ của mô hình quản lý không cấp bậc Holacracy vào tháng 11/2017, thì những nhân viên mới vào công ty phải học về mô hình quản lý này “Như học 1 ngôn ngữ mới”, và “Chưa có nhiều người sử dụng ngôn ngữ của Holacracy”:

 “They have to learn, like learning a new language. And everyone speaks the language of management hierarchy in business. Not that many people yet that speak the language of holacracy.”

Theo Thanh, mô hình quản lý nhân viên truyền thống vẫn hiệu quả hơn tại phần lớn công ty trên thế giới. Quản lý không cấp bậc không phù hợp với các công ty Châu Á vốn theo kiểu cổ điển, truyền thống. Các công ty mới thành lập sẽ phù hợp kiểu quản lý không cấp bậc hơn công ty đã hoạt động lâu năm.

Vậy hôm nay chúng ta đã học được một từ mới mà Thanh tin sắp tới sẽ được nhiều người nhắc đến: Holacracy – Mô hình quản lý không cấp bậc.

Thanh McKenzie – English in HR

Better English Better Job Better Salary

 

KHÓA HỌC LIÊN QUAN:

Khóa học Tiếng Anh Nhân Sự – HR Management

 

Ghi chú

Sau khi Thanh đăng bài này ở Group nhân sự trên facebook – HR Talk, Thanh nhận được nhiều phản hồi và thông tin quý giá từ các anh chị, các bạn đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý/ kinh nghiệm trong nghề Nhân sự. Thanh có tập hợp câu trả lời của Thanh và ghi chú bên dưới, để các bạn có thêm thông tin như sau:

1). Holacracy Là Thương Hiệu Cầu Chứng Của Holacracy Org. (HOCLARACYONE). Người sáng lập ra mô hình Holacracy là Brian Robertson – là người sáng lập Holacracy Org. Holacracy Org. tư vấn xây dựng Holacracy – Mô hình quản lý không cấp bậc cho các doanh nghiệp, vì vậy bản thân nó đúng là công ty e-commerce vì nó hoạt động theo kiểu tạo lợi nhuận.

Như vậy có những công ty theo đúng như mô hình Holacracy mà Brian Robertson đã sáng lập ra, đó là những công ty đang nhận tư vấn của Holacracy Org.

Có những công ty đang đi theo đường lối của Holacracy như trong cuốn Reinventing Organization, nhưng không nhận tư vấn từ Holacracy Org. thì không thể theo đúng kiểu của Holacracy được vì rõ ràng họ sắp xếp cho phù hợp với tổ chức của họ, họ đi theo kiểu quản lý không phân cấp bậc nhưng không theo đúng tư tưởng của Holacracy, hoặc hiểu sai.

Mô hình quản lý không phân cấp bậc rõ ràng là có nhiều kiểu và đã có từ trước khi Holacracy ra đời chính thức vào năm 2007,  tuy nhiên theo đúng như kiểu Holacracy thì chỉ có một thôi. Như vậy tên gọi là rất quan trọng giúp Holacracy phân biệt với những dạng khác và những dạng gần giống nó.

2). Hình thức này không chỉ phù hợp với các tổ chức phi lợi nhuận/doanh nghiệp cộng đồng, (Thanh có nêu ví dụ trong bài về công ty giày Zappos). Tuy nhiên hình thức này chưa phù hợp trong bối cảnh Việt Nam. Các công ty theo mô hình tổ chức này 1 phần thì có thể nói là họ đang hướng theo mô hình này, chứ không thể nói là họ hoạt động theo đúng như mô hình Holacracy này được, không thể nửa mùa được.

3). “Trong cuốn Reinventing Organization, tác giả đã nghiên cứu, quan sát 12 công ty theo kiểu mô hình Holacracy”:

Theo tác giả cuốn Reinventing Organization – Frederic Laloux, ông chia lịch sử phát triển tổ chức ra 5 màu: đỏ, vàng, cam, xanh da trời và xanh ngọc (teal), trong đó xanh ngọc chính là những công ty theo kiểu mô hình giống như Holacracy.

Trang web của Holacracy (các bạn thêm đuôi: .org) có thêm nhiều thông tin để chúng ta tham khảo, để biết là nhân viên công ty cam kết như thế nào để thực hiện Holacracy trong công ty của họ cũng như tư vấn cho khách hàng của họ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *