Tiếng Anh Chuyên Ngành Nhân Sự chia sẻ một số kinh nghiệm học Tiếng Anh giao tiếp với mong muốn các bạn đang làm nhân sự sẽ ngày càng giỏi hơn trong quá trình học Tiếng Anh của mình, để làm việc thành công trong môi trường sử dụng Tiếng Anh:

1. NGHE ĐƯỢC TIẾNG ANH NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NÓI:

Nếu chúng ta không nghe được Tiếng Anh thì không thể hiểu người khác nói gì, cũng sẽ không thể trả lời câu hỏi bằng Tiếng Anh, sẽ không đạt được mục đích giao tiếp. Người làm nghề nhân sự là những người thường phải dành nhiều thời gian để lắng nghe.

Như vậy, điều đầu tiên để giỏi giao tiếp Tiếng Anh là chú ý luyện nghe tiếng Anh. Luyện nghe Tiếng Anh chiếm ít nhất 50% thành công khi giao tiếp bằng Tiếng Anh.

Chúng ta cần luyện nghe Tiếng Anh từ nội dung dễ đến khó, từ tốc độ chậm đến nhanh dần. Ban đầu bạn nên luyện nghe theo các chương trình dạy Tiếng Anh căn bản nhất. Việc luyện nghe theo các chương trình dạy Tiếng Anh sẽ giúp bạn có một lộ trình hợp lý để nâng cao dần trình độ nghe của bạn. Sau đó, bạn mới xem đến các chương trình trên tivi, you tube … bằng Tiếng Anh bản ngữ.

Khi nghe Tiếng Anh, bạn cần lặp lại theo người nói trong băng, trong video clip để miệng mình quen từ từ. Việc lặp lại cũng giúp bạn có được nhịp điệu và ngữ điệu Tiếng Anh của họ một cách tự nhiên. Chúng ta nên chọn các chủ đề quen thuộc mà ta có kiến thức nhiều về nó, hoặc các chủ đề yêu thích để luyện nghe, như vậy sẽ không chán. Song song đó, chúng ta nên tập nghe nói các chủ đề thường giao tiếp trong công việc hàng ngày bằng Tiếng Anh.

2. PHÁT ÂM TIẾNG ANH CHUẨN:

Cho dù chúng ta học nhiều từ, thuộc nhiều câu hội thoại mà phát âm Tiếng Anh không chuẩn, người nghe cũng rất khó hiểu. Đối với người làm nghề nhân sự, việc truyền đạt nội dung một cách hiệu quả là điều tối quan trọng để thành công trong nghề HR. Như vậy, việc phát âm Tiếng Anh đặc biệt là các từ Tiếng Anh chuyên ngành nhân sự cần được chú trọng và rèn luyện thường xuyên để tăng khả năng thành công khi giao tiếp Tiếng Anh.

Chúng ta cần học phát âm từng từ Tiếng Anh cho đúng, sau đó mới đưa vào câu hội thoại. Nếu bạn chưa phát âm được từng từ mà nói luôn cả câu Tiếng Anh thì cũng như việc “chưa học bò đã lo học chạy”. Bạn sẽ nói vừa dở vừa không chính xác, vì vậy người nghe sẽ không hiểu bạn nói gì. Chúng ta nên học Tiếng Anh từ căn bản đi lên, tập đọc những từ Tiếng Anh quen thuộc nhất. Bạn sẽ rất ngạc nhiên là có nhiều từ bạn đọc sai mà trước giờ không biết.

Trong quá trình học từ vựng Tiếng Anh, chúng ta phải thường xuyên nghe và lặp lại từng từ. Bạn nên học phát âm theo từ điển Anh – Anh (Của Oxford hoặc Cambridge) và phải chịu khó. Bí quyết là: Phải chịu khó. Phát âm chuẩn sẽ giúp bạn không còn giọng Việt Nam lẫn lộn với giọng Anh/ Mỹ nữa. Bạn cũng sẽ tự tin hơn nhiều khi giao tiếp bằng Tiếng Anh, đặc biệt là trong môi trường quốc tế khi đồng nghiệp của chúng ta đến từ khắp nơi trên thế giới. Các HR chính là người đầu tiên giới thiệu về công ty với ứng viên, là người đầu tiên mà ứng viên gặp chính thức khi đến phỏng vấn hoặc trao đổi qua điện thoại, nên khả năng giao tiếp bằng Tiếng Anh chuẩn của người làm nhân sự là điều cực kỳ quan trọng để thu hút ứng viên tiềm năng đến với công ty.

Thanh có thời gian hơn 2 năm làm việc tại một trường học tại Vương Quốc Anh, nên hiểu rất rõ điều quan trọng của việc phát âm chuẩn. Nếu mình phát âm sai, thì học trò không hiểu, đồng nghiệp không hiểu, phụ huynh học sinh cũng không hiểu. Cuối cùng việc giao tiếp không hiệu quả. Chúng ta làm về nhân sự thì thường xuyên phải giao tiếp, nên càng không thể để nhược điểm yếu Tiếng Anh mà điều căn bản là phát âm Tiếng Anh làm ảnh hưởng đến công việc.

3. HỌC TIẾNG ANH THEO CHỦ ĐỀ, THEO MỤC ĐÍCH:

Chúng ta làm về nhân sự, nhưng Thanh khuyên các bạn là đừng bắt đầu học Tiếng Anh ngay vào các chủ đề về nhân sự, nhất là khi các bạn tự học. Lý do là chúng ta chưa tích lũy được vốn từ vựng thông thường, vốn từ vựng Tiếng Anh nhân sự lại càng thấp, như vậy việc học sẽ không hiệu quả về cả khía cạnh nghe nói đọc hiểu, và về khía cạnh thời gian.

Chúng ta nên bắt đầu từ những chủ đề quen thuộc, ví dụ như học giới thiệu về bản thân, gia đình bằng Tiếng Anh, các chủ đề về thời tiết, thức ăn, mua sắm, giao thông, môn thể thao yêu thích, nhà cửa, thiên nhiên cây cối,… Chúng ta học Tiếng Anh từ những chủ đề mình thường dùng hàng ngày trong Tiếng Việt, sau đó mới học sang các chủ đề khó hơn như công việc chuyên môn nhân sự của mình, văn hóa, chính trị, lịch sử, địa lý, văn học, giáo dục, … của nước mình và nước khác, ví dụ nước Anh hay Mỹ, hoặc những nước dùng Tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ.

Nói chung, chúng ta bắt đầu học Tiếng Anh từ những chủ đề mà mình đã có kiến thức sẵn, những gì mình gặp và nói, sử dụng hàng ngày. Sau đó mới đi sâu hơn sang các chủ đề phức tạp.

Khi học Tiếng Anh, chúng ta cũng nên tự trả lời câu hỏi: Mục đích của việc học Tiếng Anh giao tiếp là gì? Nếu chúng ta học Tiếng Anh chuyên ngành nhân sự, thì bạn cũng cần đặt câu hỏi: Mảng nào trong nhân sự bạn cần học nghe nói Tiếng Anh nhiều nhất, sau đó chú trọng học mảng đó trước. Ví dụ bạn làm về mảng đào tạo, và bạn cần dành nhiều thời gian đào tạo đầu vào cho nhân viên mới, thì đây là chủ đề mà bạn cần phải trao dồi bằng Tiếng Anh chuyên ngành nhân sự.

4. HỌC THEO NGỮ, THEO CỤM TỪ, KHÔNG NÓI RIÊNG RẼ:

Học theo cụm từ giúp ta biết cách người bản xứ (Người nói Tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ) dùng ngôn ngữ của họ như thế nào. Chúng ta cố gắng tránh dịch từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh, vì sẽ không đúng cấu trúc câu, người Anh không hiểu. Chúng ta cần lấy ý mình muốn nói, và chuyển các ý đó thành các câu Tiếng Anh để nói.

Lưu ý:

Khi chúng ta nói Tiếng Việt, ta ráp từng từ thành một câu, mỗi từ có một âm tiết. Nhưng người sử dụng Tiếng Anh thường ráp từng cụm từ thành một câu, mỗi từ có thể có nhiều âm tiết. Nên khi chúng ta học Tiếng Anh nhất là Tiếng Anh nhân sự, ta phải học theo cụm từ, để việc sử dụng Tiếng Anh dễ dàng hơn, đồng thời tránh trường hợp ráp nối từ ngử lung tung dẫn đến việc nói sai Tiếng Anh.

Chúng ta có thể học theo cách đặt câu theo câu mẫu cũng rất hay. Nghĩa là ta dựa vào một câu mẫu rồi thay đổi chủ ngữ, động từ của nó để tạo thành một câu mới. Cách học này dễ nhớ, dễ thực hành và rất hữu dụng.

5. DÙNG ĐÚNG TÀI LIỆU TIẾNG ANH:

Chúng ta cần học Tiếng Anh theo các tài liệu chuẩn, các video clip chuẩn của người bản xứ, từ các nguồn đáng tin cậy. Chúng ta không học theo sách hoặc website Tiếng Anh từ các nguồn không rõ xuất xứ, hay không phải do người bản xứ xuất bản (Các tài liệu đó nên xem là có giá trị tham khảo). Hiện nay trên thế giới có rất nhiều tài liệu Tiếng Anh chuyên ngành nhân sự, rất nhiều sách nhân sự được viết bằng Tiếng Anh,  việc chuyển các tài liệu này về Việt Nam cũng không quá khó như trước. Nếu các bạn chú trọng vào việc học Tiếng Anh chuyên ngành nhân sự thì nên mua sách giấy để đọc, thay vì đọc bản pdf, để thuận lợi cho việc tra cứu và không hại mắt.

Nếu các bạn muốn xem phim để học Tiếng Anh, thì cần lựa phim có nội dung phù hợp để xem.

Những người làm về nhân sự đều có một trình độ học vấn nhất định, nên chúng ta cần học Tiếng Anh theo đúng trình độ của mình. Tránh học Tiếng Anh kiểu đường phố mà thường trong phim hành động Mỹ sử dụng rất nhiều. (Chúng ta nên biết chứ không nên nói theo). Những câu cụt lủn, không có chủ ngữ vị ngữ và những từ chưởi thề thì không thể sử dụng trong các cuộc nói chuyện lịch sự nhất là trong môi trường công sở.

Các bạn không cần quá chú ý ngữ pháp khi giao tiếp Tiếng Anh, nhưng các câu Tiếng Anh mà bạn nói ra cũng phải có đầu có đuôi, phải biết dùng những từ lịch sự, trịnh trọng. Ví dụ: Could I; May I; I’m sorry; Please; Excuse me, …… Chúng ta cũng cần biết dùng những cụm từ Tiếng Anh thông dụng để diễn đạt ý của mình. Ví dụ: I think; However; As far as I know…

Chúng ta không những phải giao tiếp Tiếng Anh với đồng nghiệp, mà còn sử dụng Tiếng Anh giao tiếp với những người từ bên ngoài công ty ví dụ ứng viên đến phỏng vấn, hoặc đón tiếp các sếp từ công ty mẹ sang, nên chúng ta cũng phải chú ý dùng Tiếng Anh sao cho đúng và chuyên nghiệp, vì người ta sẽ đánh giá trình độ và hiểu biết của mình qua cách dùng từ ngữ Tiếng Anh.

6. LUYỆN TẬP VÀ CHIA SẺ VỚI NGƯỜI KHÁC:

Chúng ta cần lặp lại các từ, ngữ, câu Tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Chúng ta nên nói Tiếng Anh mỗi ngày, đụng đâu nói đó, không ngại sai nhưng cũng không ngại sửa. Ta có thể đứng trước gương và tự nói chuyện. Ta cũng nói chuyện với người bản xứ mỗi khi có cơ hội.

Khi học Tiếng Anh, chúng ta cần tìm người có trình độ Tiếng Anh giỏi hơn mình để nói chuyện, để có người sửa khi mình sai. Hai người có cùng trình độ Tiếng Anh thì khó sửa cho nhau, mà sẽ có nguy cơ học cái sai của nhau. Đây cũng là sai lầm của chúng ta khi tham gia các Câu lạc bộ Tiếng Anh mà không có người hướng dẫn.

Các bạn cũng nên tham gia các hội thảo chuyên ngành nhân sự có sử dụng Tiếng Anh, gặp gỡ giao tiếp với các đồng nghiệp nước ngoài từ các công ty khác. Học trò của Thanh tiến bộ rất nhiều từ việc tham gia các hội thảo về nhân sự như vầy.

Nên có một cuốn sổ nhỏ ghi chú những từ/ cụm từ, hoặc câu mà mình thấy thú vị và chia sẻ với những người có cùng sở thích.

Nếu các bạn chưa có môi trường giao tiếp Tiếng Anh, cũng không có điều kiện đi học, các bạn có thể tự mình nói Tiếng Anh với mình cũng được, như Thanh nói ở trên. Người ta nói rằng “Practice makes perfect”, hoặc “Thao trường đổ mồ hôi chiến trường ít đổ máu”. Rồi sẽ có một ngày cơ hội đến, bạn có thể vận dụng ngay được những gì đã luyện tập.

Tiếng Anh là phương tiện giúp bạn leo lên được bậc cao nhất trong nghề nhân sự. Không có Tiếng Anh chuyên ngành nhân sự, cơ hội của chúng ta lên được đến đỉnh cao của nghề nhân sự e rằng rất khó. Mong là các bạn yêu Tiếng Anh như yêu nghề nhân sự của các bạn.

Chúc các bạn thành công.

Thanh McKenzie – English in HR

Better English Better Job Better Salary

 

KHÓA HỌC LIÊN QUAN:

Khóa học Tiếng Anh Nhân Sự – HR Management

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *